TỔNG QUAN VỀ NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI

TỔNG QUAN VỀ NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI TẠI VIỆT NAM

Tóm tắt: Dịch vụ vận tải đang ngày càng phát triển do nhu cầu vận chuyển hàng hoá của mọi người là rất lớn. Các công ty vận tải ra đời phục vụ nhu cầu trao đổi, giao thương hàng hoá cho khách hàng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề về vận tải mà nhiều người chưa thực sự biết. Hôm nay admin sẽ giới thiệu để mọi người biết rõ hơn về TỔNG QUAN NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI

  1. MÔI TRƯỜNG KINH TẾ CỦA NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI

Từ năm 2002 đến 2020, GDP đầu người tại Việt Nam tăng 3,6 lần, đạt gần 3.700 USD. Tỉ lệ nghèo giảm mạnh từ hơn 32% năm 2011 xuống còn dưới 2%. Năm 2021, do ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể Delta của Covid-19, tăng trưởng GDP giảm xuống 2,58% nhưng dự kiến ​​sẽ phục hồi lên 5,5% vào năm 2022. Lĩnh vực y tế đạt nhiều tiến bộ lớn khi mức sống ngày càng cải thiện. Tuổi thọ trung bình tăng từ 70,5 năm 1990 lên 75,4 năm 2019. Đây là độ tuổi cao nhất giữa các quốc gia trong khu vực có mức thu nhập tương đương. Việt Nam đã đặt ra những tầm nhìn phát triển tham vọng hơn, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. (Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, 2022)

Logistics là ngành đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và là một ngành dịch vụ có nhiều tiềm năng đem lại giá trị gia tăng cao.

Theo Báo cáo "Đánh giá Cạnh tranh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD): Ngành Logistics tại Việt Nam" năm 2019: Ngành logistics của Việt Nam đạt tốc độ phát triển bình quân 12%-14%/năm, đóng góp vào GDP từ 4%-5%.

Với nền kinh tế phát triển một cách mạnh mẽ, đời sống con người được cải thiện và các hoạt động về hàng hoá diễn ra với quy mô lớn hơn, điều này đã làm gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hoá. Đây chính là một điều kiện tốt để phát triển dịch vụ vận tải của công ty. Tuy nhiên, việc phát triển của ngành logistics cũng đem lại nhiều thách thức khi xuất hiện ngày càng nhiều đối thủ cạnh tranh gay gắt với công ty.

        2. CƠ SỞ HẠ TẦNG VÀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI


Giai đoạn 2016 - 2020, hệ thống hạ tầng giao thông đã được đầu tư phát triển nhanh, phát huy hiệu quả cao. Nhiều công trình lớn, hiện đại đã được đưa vào khai thác.

Về đường bộ: Kết cấu hạ tầng đường bộ có sự kết nối vùng miền và quốc tế, đã hoàn thành đầu tư xây dựng giai đoạn 2011 - 2020 khoảng 1.074 km đường bộ cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163 km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598 km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, tỷ lệ mặt đường bê tông nhựa được nâng lên 64%.

Về đường bộ cao tốc: Khu vực phía Bắc đã hoàn thành các tuyến hướng tâm tới Thủ đô Hà Nội; tuyến đường cao tốc ven biển nối Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn. Khu vực phía Nam đã hoàn thành 2 tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây nối Đông Nam bộ và phía Bắc, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương nối với các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long; đang triển khai 2 tuyến Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận. Khu vực miền Trung đã hoàn thành 2 tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Liên Khương - Đà Lạt (Bộ Công thương Việt Nam, 2021)

Việc tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông có trọng tâm, trọng điểm đã góp phần tái cơ cấu hợp lý lĩnh vực vận tải, bảo đảm kết nối hài hoà các phương thức vận tải. Điều này giúp cho các dịch vụ vận tải hàng hoá hoá nội địa phát huy thế mạnh, làm giảm chi phí vận tải, nâng cao hiệu quả, chất lượng dịch vụ vận tải.

         3. MÔI TRƯỜNG CÔNG NGHỆ CỦA NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI



Tại Việt Nam, ba năm gần đây được coi là giai đoạn đánh dấu những bước tiến về ứng dụng CNTT trong logistics. Việc gia tăng các giải pháp ứng dụng cục bộ, nhất là sự xuất hiện giải pháp tổng thể có tính tích hợp hệ thống, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Có thể kể đến mảng ứng dụng CNTT trong vận tải đường bộ với mục đích tối ưu hóa năng lực phương tiện, kiểm soát tuyến đường, lịch trình, thời gian cũng như nâng cao tỷ lệ lấp đầy xe hàng.

Tuy nhiên, dù xu hướng ứng dụng CNTT có tăng, nhưng thực tế chưa nhiều DN logistics trong nước chịu đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới trong hoạt động. Theo khảo sát, trình độ ứng dụng CNTT của DN logistics Việt Nam còn ở mức thấp, nhất là trong lĩnh vực vận tải đường bộ - hiện chiếm 80% thị phần vận tải nội địa. Ðây là một trong những yếu tố khiến cho DN Việt Nam khó có thể vận hành hiệu quả, tối ưu chi phí và cải thiện chất lượng dịch vụ.

Có thể thấy công nghệ đang giúp ích rất nhiều cho việc vận tải đường bộ, tuy nhiên việc ứng dụng được công nghệ này không phải dễ dàng.

        4. MÔI TRƯỜNG CHÍNH TRỊ - PHÁP LUẬT CỦA NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI



Việt Nam là nước có tình hình chính trị, an ninh ổn định. Hệ thống pháp luật ngày càng được sửa đổi phù hợp với nền kinh tế hiện nay. Cơ chế điều hành nước ta theo chủ trường đường lối Đảng Cộng Sản Việt Nam nên luôn có sự ổn định và thống nhất về đường lối ngoại giao, sự cân bằng của các chính sách Nhà nước, quan điểm, mục tiêu và các định hướng phát triển đất nước.

Có thể thấy tình hình chính trị, pháp luật ở Việt Nam luôn là điều kiện tốt để các doanh nghiệp có thể dễ dàng phát triển. Chính trị có ổn định thì sẽ giúp các doanh nghiệp chủ động hơn trong hoạt động kinh doanh của mình.

Nắm bắt được điều kiện chính trị ổn định của Việt Nam, các Công ty luôn không ngừng phát triển và mở rộng thị trường, kèm theo đó là luôn cập nhật các bộ luật về giao thông đường bộ, các bộ luật ban hành về kinh doanh. Từ đó nhanh chóng để áp dụng sửa đổi trong nội bộ công ty cho phù hợp.

        5. MÔI TRƯỜNG VĂN HOÁ, XÃ HỘI CỦA NGÀNH DỊCH VỤ VẬN TẢI



Ngày nay, đời sống của người Việt Nam ngày càng cải thiện. Nhu cầu về cuộc sống của mỗi người ngày càng cao, các hoạt động trao đổi hàng hoá diễn ra với quy mô lớn hơn, phạm vi xa hơn. Trước sự thay đổi của đời sống con người, dịch vụ vận tải hàng hoá ngày càng trở nên cần thiết để đáp ứng được nhu cầu trao đổi, giao thương, mua bán cho các cá nhân và doanh nghiệp.

Nhu cầu về vận chuyển ngày càng gia tăng  là cơ hội tốt để dịch vụ vận tải ngày càng hoàn thiện và phát triển hơn về dịch vụ của mình để đem lại cho khách hàng dịch vụ tốt nhất.

Kết Luận: Dựa vào những phân tích về các yếu tố môi trường vĩ mô chúng ta có thể thấy ngành dịch vụ vận tải vẫn đang có nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai. Đây là cơ hội và cũng là thách thức cho các doanh nghiệp vận tải hiện nay. Vì môi trường kinh doanh lý tưởng sẽ xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh hiện tại cũng như đối thủ cạnh tranh tiềm ẩn. Các doanh nghiệp cần nắm bắt được về công nghệ, áp dụng phù hợp trong quá trình quản lý nhằm giá tăng chất lượng dịch vụ vận tải; đón đầu xu hướng trong mọi giai đoạn.




Nhận xét